Friday, April 26, 2013

Giao dịch điện tử về thuế: Rào cản từ chữ ký số

Tính đến cuối tháng 3-2013, tại TP.HCM đã có trên 103.000 DN thực hiện kê khai thuế qua mạng (KKTQM), đạt khoảng 75% trên tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn và vượt chỉ tiêu do Tổng cục Thuế giao và là địa phương dẫn đầu cả nước về việc vận động người nộp thuế (NNT) thực hiện KKTQM.

Tuy nhiên, Cục Thuế TP.HCM cho biết, việc thực hiện KKTQM và tiến tới giao dịch điện tử của ngành Thuế trong thời gian tới sẽ còn không ít khó khăn.
Theo đánh giá của Cục Thuế TP.HCM, sau 3 năm tổ chức hoạt động KKTQM đã đạt được những kết quả nhất định với khoảng 40% DN trên cả nước thực hiện. Đặc biệt, có những địa phương như TP.HCM, tỉ lệ DN thực hiện đã đạt trên 70% trên tổng số DN đang hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, việc KKTQM đã thành xu thế và được cộng đồng DN tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận động DN KKTQM trong thời gian qua hết sức khó khăn, vất vả. Thậm chí để đạt chỉ tiêu về KKTQM, nhiều cơ quan Thuế địa phương và cán bộ thuế đã phải “ép” DN KKTQM nhưng vẫn không vận động được người nộp thuế.

Lí giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Dương Thế Quang, Giám đốc Trung tâm Tích hợp và lưu trữ thông tin NNT Cục Thuế TP.HCM cho rằng, các quy định về điều kiện giao dịch điện tử với cơ quan Thuế đang hạn chế dịch vụ điện tử của ngành Thuế đến với DN và người dân. Quy định giao dịch điện tử về thuế phải sử dụng chữ ký số công cộng là rào cản lớn nhất của việc vận động NNT đăng kí và KKTQM. Cụ thể, với việc sử dụng chữ kí số, trung bình, NNT sẽ phải tốn khoảng 80.000 đồng khi đi nộp hồ sơ cho mỗi kì khai thuế. Đây là khoản phí không đáng kể đối với các DN lớn nhưng đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ đang chiếm tỷ trọng lớn hiện nay thì đây là khoản chi phí cần phải cân nhắc, nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh đó, quy định phải sử dụng chữ ký số khi giao dịch với cơ quan Thuế còn ngăn cản việc đăng ký thuế điện tử đối với những NNT là cá nhân muốn đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan Thuế. Hiện nay, mặc dù chữ ký số đã được ứng dụng cho thiết bị di động cầm tay của cá nhân, nhưng tại Việt Nam môi trường ứng dụng chưa rộng, nhu cầu chưa cao, người dùng phải trả chi phí trước và trên thực tế số lượng cá nhân đã có chữ ký số là không đáng kể. Ngoài ra, việc phải sử dụng chữ ký số khi giao dịch điện tử với cơ quan Thuế cũng sẽ hạn chế việc các đơn vị chi trả thu nhập đăng ký mã số thuế cá nhân hộ cho người lao động qua mạng tại địa chỉ tncnonline.com hiện đang triển khai có hiệu quả. Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, mới chỉ có chưa đến 40% đơn vị chi trả thu nhập đã có chữ ký số. Như vậy, những đơn vị chi trả thu nhập chưa có chữ ký số đã thực hiện đăng ký mã số thuế cá nhân và nộp báo cáo quyết toán thuế Thu nhập cá nhân trên mạng tncnonline.com trong thời gian vừa qua là không đúng quy định của pháp luật.
Giao dịch điện tử về thuế rào cản lớn chữ ký số


Từ những phân tích trên, ông Dương Thế Quang cho rằng, những quy định của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc người nộp thuế phải có chữ ký số công cộng khi khai thuế, đăng ký thuế điện tử là không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại. Quy định này đã trở thành rào cản, gây khó khăn cho việc vận động KKTQM trong thời gian qua và nó sẽ tiếp tục ngăn cản việc đăng ký và khai thuế điện tử trong thời gian tới. Do vậy, trong giao dịch điện tử với cơ quan Thuế, việc xác định chữ ký số được áp dụng cho những thủ tục nào cần phải có lộ trình để thực hiện từng bước cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể…