Tại Hội thảo Quốc gia về Chữ ký số (CKS) tổ chức tại TP HCM ngày 4/8, các đại biểu tham dự cho rằng ứng dụng chữ ký số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là một vấn đề thực sự cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển. Các giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang dần được số hóa nhằm bảo đảm an toàn thông tin và tăng tính cạnh tranh.
Doanh nghiệp hưởng lời từ chữ ký số |
Bà Lê Thị Duyên Hải, Phó trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục thuế, đánh giá CKS có vai trò quan trọng trong việc khai báo thuế qua mạng. Doanh nghiệp sẽ giảm thiểu thời gian, chi phí, nhân lực cho việc kê khai thuế thông qua việc kê khai qua mạng Internet. Điều này cũng giúp cho cơ quan thuế giải tỏa được áp lực trong việc tiếp nhận, xử lý và lưu trữ tờ khai thuế.
Chỉ cần doanh nghiệp có CKS được chứng thực và cài đặt phần mềm mã vạch hai chiều có khả năng trích xuất tờ khai ra dạng PDF được cơ quan thuế cung cấp miễn phí là có thể kê khai qua mạng. Bà Hải phân tích: "Ngoài việc tiết kiệm thời gian chi phí, các doanh nghiệp còn có thể quản lý các tờ khai của mình một cách dễ dàng thông qua việc tra cứu các thông tin trên mạng và nhận được các thông báo trực tiếp của cơ quan thuế qua cổng thông tin điện tử".
Hiện nay có nhiều ứng dụng CKS phù hợp cho các doanh nghiệp, điển hình là việc mã hóa bảo vệ các thông tin số của doanh nghiệp, dùng chữ số xác thực các e-mail trao đổi thông tin, kiểm soát truy cập vào các sàn thương mại điện tử và các đơn đặt hàng, ngân hàng điện tử, mua sắm công... CKS không chỉ được thực hiện cho các giao dịch điện tử trên Internet mà còn qua hệ thống mạng viễn thông di động.
Theo ông Đào Đình Khả thuộc Trung tâm Chứng thực CKS Quốc gia, các doanh nghiệp ứng dụng CKS khá đơn giản và thuận tiện. Trước hết các doanh nghiệp cần đăng ký chứng thư số trong đó có kèm cặp khóa dùng để ký và mã hóa. Khóa bí mật có thể được lưu trong các USB-token, smart card với chi phí thấp. Việc đào tạo sử dụng CKS khá đơn giản nếu người dùng đã có các kỹ năng tin học cơ bản.
Nhiều phần mềm phổ thông hiện nay đã hỗ trợ CKS và doanh nghiệp chỉ cần đầu tư xây dựng các phần mềm nghiệp vụ có hỗ trợ CKS nếu như có các yêu cầu kinh doanh riêng của mình. Với mức kinh phí có thể chấp nhận được, ứng dụng CKS tại doanh nghiệp vừa và nhỏ là một đầu tư có hiệu quả.
Tại Việt Nam vẫn chưa có tổ chức chứng thực số công cộng phục vụ giao dịch điện tử. Vì vậy tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ CKS công cộng dự kiến hoạt động trong quý 3 năm nay. Khi hệ thống này đi vào hoạt động trên toàn quốc sẽ cung cấp dịch vụ chứng thực CKS được pháp luật công nhận, thúc đẩy thương mại điện tử và chính phủ điện tử phát triển.
(Theo trang chữ ký số)